Bootstrap

Nền Tảng Kinh Thánh về Công Việc

Book / Produced by TOW Project and Partners

LỜI MỞ ĐẦU

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

“Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.”

Kinh Thánh bắt đầu với câu mô tả về Đức Chúa Trời, Đấng làm việc từ thuở ban đầu. Ngài vẫn tiếp tục làm việc trong dòng lịch sử.[1] Ngài dựng nên con người để làm việc cho vinh quang của Ngài. Có người cho rằng Kinh Thánh là bộ sưu tập hình ảnh của những người làm việc, quyển sách của những người làm việc, về những người làm việc, cho những người làm việc.[2] Công việc được chính Chúa trao như một món quà, để vui hưởng sự đầy trọn của Đấng đã trao mạng lệnh chung cho con người từ buổi sáng tạo.[3] Như thế, công việc trở thành sứ mạng và tiếng gọi cho con người trong tương quan với Đấng Tạo hóa.

Một nhận xét tinh tế về thực trạng ngày nay là nhiều người Cơ Đốc đã tách rời công việc khỏi đời sống thuộc linh, xem công việc đơn thuần là phương tiện để kiếm sống. Đôi khi, công việc còn trở thành mục đích sống của nhiều người. Nếp sống Cơ Đốc đôi khi được nhận thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa ngày Chúa nhật và thứ hai, hay trong khuôn viên nhà thờ và tại nơi công sở. Trên nền tảng Thánh Kinh, chúng ta sẽ nhận ra rằng Chúa trao ban công việc cho con người với mục đích cao cả nhiều hơn thế!

Nền Tảng Kinh Thánh về Công Việc là công trình của nhóm học giả Kinh Thánh và những người đang hầu việc Chúa nơi công sở để giải nghĩa và khám phá điều Chúa dạy trong toàn bộ Kinh Thánh dưới góc nhìn công việc trong tương quan với niềm tin. Mọi ngành nghề, lãnh vực từ kinh doanh, giáo dục, y tế, quản trị, kỹ thuật, lao độngtay chân…đều có thể đặt dưới sự soi dẫn của Thánh Kinh. Với Nền Tảng Kinh Thánh về Công Việc, Lời Chúa trở nên cụ thể và thực tế, người Cơ Đốc được kêu gọi để sống đúng với vai trò “muối và ánh sáng” trong thế gian, là chứng nhân của tình yêu và ân sủng trong nơi làm việc. Công việc trở thành phương tiện để dâng vinh quang về cho Chúa. Vì thế, làm việc là hành động thờ phượng.

Ước mong bộ sách là công cụ tốt để hỗ trợ người Cơ Đốc nơi công sở trong việc nghiên cứu và học Kinh Thánh, chia sẻ và khích lệ đức tin, thách thức nếp sống chứng nhân, trình bày về Đấng đã trao công việc cho con người với niềm hy vọng nơi Vương Quốc của Đấng đang hành động trong lịch sử, và lấp đầy khoảng cách giữa nhà thờ với công sở, đức tin và công việc.

Tải sách Nền Tảng Kinh Thánh về Công Việc - phần 1.

Cảm ơn sự góp phần biên dịch của Cựu Sinh Viên Việt Nam.

Nguyên tác: THEOLOGY OF WORK
Bản quyền thuộc về THEOLOGY OF WORK PROJECT
Phiên dịch và biên tập: NHÓM THÔNG CÔNG CSV
Trình bày: Vĩnh Phước

Các trích dẫn Kinh Thánh sử dụng trong sách là bản Truyền Thống Hiệu Đính © United Bible Societies 2010 - Phiên bản thứ nhì, 2011.

Bản quyền tiếng Việt © Nhóm Thông Công CSV, UBTTN - 2017

Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ. Mọi hình thức xuất bản, sao chụp, phân phối dưới dạng in ấn hoặc văn bản điện tử, đặc biệt là phát tán dưới dạng internet mà không có sự cho phép bằng văn bản của Nhóm dịch là vi phạm pháp luật và làm tổn hại đến quyền lợi của Nhóm dịch và tác giả. Không ủng hộ, khuyến khích những hành vi vi phạm bản quyền. Chỉ mua bản in hợp pháp.

GIỚI THIỆU SÁCH MA-THI-Ơ

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Công việc là một phần quan trọng trong vương quốc Đức Chúa Trời. Trước đây Ma-thi-ơ là người thâu thuế, nhưng về sau ông trở nên môn đồ của Chúa Giê-xu; Ma-thi-ơ kể lại những việc làm cùng lời dạy của Chúa Giê-xu để giúp chúng ta biết cách sống và làm việc trong vương quốc mới của Đức Chúa Trời. Là những người tin Chúa Giê-xu, chúng ta đang sống trong hai thế giới: thế giới con người và vương quốc Đức Chúa Trời. Trong thế giới con người, công việc chúng ta làm bị chi phối bởi những quy tắc không lời có thể thích hợp với đường lối của Chúa nhưng cũng có thể không thích hợp. Nhưng đồng thời chúng ta cũng là những Cơ Đốc Nhân thuộc về vương quốc Đức Chúa Trời nên chúng ta tuân giữ những giá trị và quy tắc của Chúa. Bằng cách kể lại câu chuyện về Chúa Giê-xu, Mathi-ơ trình bày sự chỉ dẫn của Ngài giúp chúng ta định hướng giữa thế giới này bằng cách tập trung vào khái niệm “nước thiên đàng” để bày tỏ bản chất thật của thế giới. Ma-thi-ơ xem “nước thiên đàng” và “nước Đức Chúa Trời” là hai khái niệm tương đương có thể hoán đổi cho nhau (tham khảo Mat 19:23-24). Vương quốc Đức Chúa Trời “đã đến” trong thế giới, mặc dù chưa hoàn toàn trở thành hiện thực. Những người tin Chúa Giê-xu vẫn phải sống, làm việc như những “người tạm trú”[1] trong thế giới này trong lúc chờ đợi vương quốc Đức Chúa Trời được hoàn tất.

Chúa Giê-xu đã hướng dẫn chúng ta cách sống và làm việc như những “người tạm trú” trong thế giới này khi Ngài giảng dạy nhiều vấn đề có liên quan đến môi trường làm việc như: cách lãnh đạo và thẩm quyền lãnh đạo, tầm ảnh hưởng và quyền lực, kinh doanh cách chính trực và gian dối, thành thật và lừa đảo, cách đối xử với nhân viên, phương pháp giải quyết xung đột, sự giàu có và những nhu cầu sinh sống tối thiểu, những mối liên hệ tại nơi làm việc, đầu tư và tích trữ, nghỉ ngơi, cũng như vấn đề làm việc trong các tổ chức có chính sách và cách hoạt động trái ngược với nguyên tắc của Thánh Kinh.

NƯỚC THIÊN ĐÀNG ĐÃ ĐẾN GẦN (MA-THI-Ơ)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Khi khởi đầu chức vụ trên đất, Chúa Giê-xu tuyên bố rằng, “vương quốc thiên đàng đã đến gần” (Mat 4:17). Cụm từ “vương quốc thiên đàng” có lẽ khiến chúng ta nghĩ đến các tầng mây, có các thiên sứ đồng ca với những chiếc đàn hạc. Nhưng Đức Chúa Giê-xu đã nói rõ “nước thiên đàng” là chỉ về sự cai trị của Đức Chúa Trời trên đất. Nước thiên đàng “đã đến gần” nghĩa là sự cai trị của Đức Chúa Trời đã đến trong thế giới.

Mọi vương quốc đều quan tâm đến việc quản lý, kinh tế, nông nghiệp, sản xuất, tư pháp và quốc phòng. Đó cũng là những vấn đề mà chúng ta thường thấy trong các môi trường công sở. Cách sống trong vương quốc của Đức Chúa Trời được bày tỏ nơi môi trường công sở sẽ đem đến ảnh hưởng sâu đậm. Ma-thi-ơ kể lại những sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu đề cập trực tiếp đến cách sống của chúng ta tại nơi công sở. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-xu đã dẫn các môn đồ của Ngài vào những giá trị, phẩm chất đạo đức và cách sống thực tế trong vương quốc mới của Ngài. Trong bài cầu nguyện chung, Chúa Giê-xu đã dạy họ phải cầu nguyện rằng, “Vương quốc Cha được đến, Ý Cha được nên, ở đất như ở trời!” (Mat 6:10). Sách Tin Lành Ma-thi-ơ đã kết thúc khi Chúa Giê-xu sai phái những người tin theo Chúa ra đi thi hành công tác khắp thế giới vì Ngài đã nhận “tất cả thẩm quyền trên trời dưới đất” và Ngài sẽ ở cùng họ trong mọi công việc họ làm trên đất (Mat 28:19-20). Ma-thi-ơ nói rõ vương quốc của Đức Chúa Trời vẫn chưa hoàn toàn trở thành hiện thực trên đất cho đến khi chúng ta trông thấy “Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống” (Mat 24:30). Trong khi chờ đợi cho đến ngày ấy, khi làm việc nơi công sở chúng ta cần bỏ lối sống cũ của mình, để bày tỏ lối sống mới của nước thiên đàng. Chúng ta cần sống bày tỏ cách cụ thể những giá trị của vương quốc Đức Chúa Trời ngay trong hiện tại.

LÀM VIỆC NHƯ NHỮNG CÔNG DÂN CỦA VƯƠNG QUỐC ĐỨC CHÚA TRỜI (MA-THI-Ơ 1-4)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà các nhà thần học gọi là “đã đến, nhưng chưa hoàn tất.” Nước thiên đàng đã được Chúa Giê-xu khai mở khi Ngài thi hành chức vụ trên đất, nhưng vương quốc ấy vẫn chưa được hoàn tất cho đến khi Đấng Christ trở lại như một vị vua. Trong hiện tại, mọi việc trong đời sống của chúng ta bao gồm: công việc, giải trí, sự thờ phượng, niềm vui cùng nỗi buồn, đều bị chi phối bởi thực tại chúng ta vẫn đang sống trong thế giới bị chi phối bởi những lối sống cũ, đã bị hư hoại vì tội lỗi (Sáng 3), đồng thời cũng được cai trị bởi Đấng Christ (chỉ phần nào, chưa trọn vẹn). Là những Cơ Đốc Nhân, chúng ta hoàn toàn đặt mình dưới thẩm quyền của Chúa Giê-xu, cách sống của chúng ta trong thế giới cần phản chiếu lối sống trong nước thiên đàng sắp đến. Điều này không phải để chúng ta khoe mình thánh thiện hơn những người khác, nhưng là chấp nhận thách thức để tăng trưởng theo đường lối của Chúa. Đức Chúa Trời kêu gọi dân sự của Ngài vào nhiều vai trò và nghề nghiệp khác nhau trên đất. Trong những vai trò và nghề nghiệp đó, chúng ta cần sống bày tỏ chân lý: sự cai trị của Chúa trên trời đã và đang đến trong thế giới.

Đồng thời chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những điều xấu xa đã đến trong thế giới từ khi con người phạm tội: cái chết (I Cô 15:26), tội lỗi (Giăng 1:29) và Sa-tan (Khải 12:9). Dù chỉ tạm thời, nhưng chính Chúa Giê-xu cũng đã từng trải sự khốn khổ, kinh khiếp vì tội lỗi của con người, chúng ta cũng phải đối diện với điều đó. Khi làm việc, có thể chúng ta sẽ phải chịu khốn khổ vì bị bóc lột công sức, thất nghiệp dài hạn, hoặc thậm chí chết vì tai nạn lao động. Chúng ta có thể sẽ gặp những khó khăn nhỏ hơn như xung khắc với đồng nghiệp, môi trường làm việc không tốt, không được thăng tiến tương xứng với khả năng và hàng ngàn những khó khăn khác. Đôi lúc tại nơi làm việc, chúng ta phải nhận lãnh hậu quả tội lỗi của chính mình. Có lẽ nhiều người còn gặp khó khăn hơn chúng ta, nhưng qua sách Ma-thi-ơ mọi người đều học được cách sống đúng với địa vị là môn đồ của Đấng Christ giữa thế giới sa ngã này.

VÌ SAO CHÚNG TA NÊN NGHE THEO CHÚA GIÊ-XU? (MA-THI-Ơ 1-2)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Những chương đầu của sách Ma-thi-ơ kể lại một loạt những câu chuyện liên tiếp nhau bày tỏ Chúa Giê-xu đã đến trong thế giới này để khai mở vương quốc thiên đàng trên đất. Những chương này mô tả Chúa Giê-xu đúng theo những điều Kinh Thánh nói trước về Đấng Mê-si-a, giúp giải tỏ Ngài là ai cũng như cho biết việc Chúa Giê-xu bước vào thế giới là tâm điểm trong cách Đức Chúa Trời đối xử với con người. Sách Tin Lành Ma-thi-ơ mở đầu bằng gia phả của Chúa Giêxu cùng sự ra đời của Ngài tại Bết-lê-hem. Chúa Giê-xu là một người Do Thái, con cháu Áp-ra-ham, thuộc dòng dõi vua Đa-vít (Mat 1:1-2:23). Trong mỗi câu chuyện, Ma-thi-ơ luôn đối chiếu với những phần Kinh Thánh trong Cựu Ước để chứng tỏ việc Chúa Giê-xu ra đời đúng theo những lời tiên tri đã được công bố từ trước rất lâu.[1] Chúng ta cần lắng nghe Ngài bởi vì Chúa Giê-xu là Đấng được xức dầu, là Đấng Mê-si-a đã được hứa ban cho loài người, là Đức Chúa Trời nhập thể bước vào thế giới này trong thân xác con người (Giăng 1:14).

LỜI KÊU GỌI CỦA CHÚA GIÊ-XU (MA-THI-Ơ 3-4)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Chương hai và chương ba cách nhau gần ba mươi năm. Trước đám đông tại bờ sông Giô-đanh, tiếng phán từ trời công bố Chúa Giê-xu chính là Con của Đức Chúa Trời (Mat 3:17). Sau khi chịu phép Báp-têm, Chúa Giê-xu đã chiến thắng những cám dỗ của ma quỷ trong đồng vắng (Mat 4:1-11). Đây là hình ảnh hoàn toàn trái ngược lại với A-đam hay dân Y-sơ-ra-ên, là những người đã thất bại trước cám dỗ.[1] Tại đây, chúng ta được thấy nguồn gốc của vương quốc sẽ đến đã có từ xưa: là một “Y-sơ-ra-ên” theo như ý định nguyên thủy của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng được thấy khía cạnh mang tính cách mạng của vương quốc Đức Chúa Trời là: chiến thắng vua của thế giới sa ngã này.

Theo ý định của Đức Chúa Trời dành cho thế giới này, công việc là một yếu tố quan trọng. Ngay sau khi Đức Chúa Trời dựng nên A-đam, Ngài đã giao việc cho ông làm (Sáng 2:15). Xuyên suốt cả Cựu Ước, chúng ta thấy dân sự của Đức Chúa Trời luôn được Ngài giao công tác (Xuất 20:9). Vì vậy không ngạc nhiên khi chính Chúa Giê-xu cũng là một người lao động (Mat 13:55). Việc Chúa Giê-xu chịu phép Báp-têm, trải qua những cám dỗ trong đồng vắng, cùng những trải nghiệm lao động của người thợ mộc đã chuẩn bị Chúa Giê-xu cho công tác mà Ngài sắp thực hiện (Mat 4:12). Tại đây, chúng ta bắt gặp phân đoạn đầu tiên đề cập trực tiếp về sự kêu gọi. Sau khi Chúa Giê-xu bắt đầu giảng về nước thiên đàng sắp đến, Ngài đã kêu gọi bốn người môn đồ đầu tiên đi theo Ngài (Mat 4:18-21). Về sau, có thêm những người khác cũng đáp lời kêu gọi của Chúa Giê-xu hình thành nên nhóm mười hai môn đồ. Họ được Chúa Giê-xu biệt riêng làm những học trò thân cận để họ sẽ phục vụ dân sự mới của Đức Chúa Trời như những người lãnh đạo trong tinh thần tôi tớ (tham khảo Mat 10:1-4; 19:28; Êph 2:19-21). Mỗi môn đồ đều phải từ bỏ nghề nghiệp, nguồn thu nhập cùng với những mối liên hệ trước đó của mình để đi với Chúa Giê-xu trong khắp miền Ga-li-lê.[2] Với các môn đồ cùng những người khác đi theo Ngài, Chúa Giê-xu chưa bao giờ hứa với họ bất cứ một sự đảm bảo nào. Khi Chúa Giê-xu kêu gọi Ma-thi-ơ là người thâu thuế, thì lời kêu gọi có đó hàm ý là Ma-thi-ơ sẽ phải từ bỏ công việc thu thuế hiện tại của mình (Mat 9:9).[3]

Lời kêu gọi của Chúa Giê-xu có đồng nghĩa với việc chúng ta phải từ bỏ công việc hiện tại để làm người giảng Tin Lành, mục sư hay nhà truyền giáo không? Phải chăng phân đoạn này dạy chúng ta trở nên môn đồ của Chúa đồng nghĩa với việc từ bỏ lưới và thuyền, cưa và đục, lương bổng và những phúc lợi của việc làm?

Câu trả lời là không. Phân đoạn này mô tả lại những điều đã xảy ra cho bốn người ở bờ biển Ga-li-lê ngày hôm đó. Nhưng đây không phải là quy định bắt buộc cho mọi người muốn đi theo Chúa Giê-xu Christ. Với mười hai môn đồ, đi theo Chúa Giê-xu đồng nghĩa với việc họ phải từ bỏ nghề nghiệp và gia đình để có thể cùng đi đây đó với thầy của mình. Trong quá khứ lẫn hiện tại vẫn có những nghề nghiệp đòi hỏi những sự hy sinh tương tự như phục vụ trong quân ngũ, giao thương hàng hải hay công việc trong ngành ngoại giao cùng với một số ngành nghề khác. Nhưng khi Chúa Giê-xu thi hành công tác trên đất chúng ta biết không phải bất cứ ai thật lòng tin đều bỏ công việc của mình để đi theo Ngài. Rất nhiều người tin Chúa Giê-xu vẫn tiếp tục ở lại nhà mình và làm những công việc thường ngày. Chúa Giê-xu thường nhờ đến những con người này để cung cấp các bữa ăn, chổ ở và nhu cầu tài chính cần có cho Ngài và các môn đồ (vd: người phung tên Si-môn trong Mác 14:3, hay Ma-ri, Ma-thê và La-xa-rơ trong Lu-ca 10:38, Giăng 12:1-2). Họ thường giúp Chúa Giê-xu tiếp cận với những cộng đồng tại nơi họ sinh sống. Đây là điều mà những người đi cùng với Chúa Giê-xu không thể làm được. Có một điểm thú vị, Xa-chê cũng là một người thâu thuế (Lu 19:1-10). Nhưng ông không được kêu gọi từ bỏ công việc hiện tại của mình là người thâu thuế mặc dù đời sống của Xa-chê đã được Chúa Giê-xu biến đổi.

Tuy nhiên, phân đoạn này cũng dẫn chúng ta vào một lẽ thật sâu nhiệm hơn là nghề nghiệp và việc đi theo Đấng Christ. Có thể chúng ta không cần từ bỏ công việc của mình, nhưng chúng ta phải từ bỏ sự trung thành với bản thân hay với con người hoặc hệ thống nào trái ngược với những mục đích của Đức Chúa Trời. Theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta là những người phục vụ cho vương quốc của Đức Chúa Trời đang làm việc trong trần gian. Chúng ta vẫn tiếp tục làm việc, vẫn thực hiện những công tác như trước. Nhưng chúng ta cũng được tuyển mộ để làm việc trong một vương quốc mới và phục vụ cho Người Chủ mới. Chúng ta vẫn làm việc, nhận lương; nhưng ở mức độ sâu hơn, chúng ta cũng phục vụ con người giống như Người Chủ của chúng ta đã phục vụ. Khi chúng ta phục vụ con người từ tấm lòng trung tín với Đấng Christ, thì điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang “phục vụ Đấng Christ là Chúa,” như sứ đồ Phao-lô đã nói trong Cô-lô-se 3:24.

Điều này mang tính triệt để hơn cảm nhận ban đầu của chúng ta và thách thức cách chúng ta làm việc. Nó có nghĩa là trong giới hạn có thể, chúng ta cần đeo đuổi thực hiện những điều giúp con người phát triển. Đó có thể là chúng ta dự phần thực hiện mạng lệnh Chúa truyền cho con người khi Ngài sáng tạo trời đất (quản trị trái đất) hoặc dự phần thực hiện mạng lệnh rao truyền sự cứu rỗi của Chúa cho nhân loại (rao giảng khắp đất). Tóm lại, chúng ta phải làm những việc để khích lệ, cổ vũ cho những ước mơ của người khác cũng như đem lại sự hàn gắn, giải hòa cho những đổ vỡ xung quanh chúng ta.

Có thể sự kêu gọi của Chúa Giê-xu không khiến chúng ta thay đổi việc làm, cách sinh sống nhưng chắc chắn sẽ thay đổi mục đích làm việc của chúng ta. Là những người đi theo Chúa Giê-xu, chúng ta làm việc trước nhất là để phục vụ Ngài. Điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi cách chúng ta làm việc và đặc biệt là cách chúng ta đối xử với người khác. Vị Vua mới của chúng ta có những đặc điểm:
thương xót, công bình, chân thật và nhân từ. Ngược lại đặc điểm của thần cai trị thế gian này là: tàn phá, vô cảm, áp bức, giả dối, và thù hận. Các đặc tính của thần cai trị thế gian không còn thẩm quyền gì trong công việc của chúng ta nữa. Đây thật sự là một thách thức lớn; chúng ta không hy vọng có thể làm được bằng sức riêng của con người. Để sống và làm việc theo những tiêu chuẩn mới này, chúng ta cần đến năng lực hay ơn phước từ Đức Chúa Trời trong công việc của chúng
ta. Đây là điều được đề cập từ sách Tin Lành Ma-thi-ơ từ chương 5 đến chương 7.

NƯỚC THIÊN ĐÀNG ĐANG HÀNH ĐỘNG QUA CHÚNG TA (MA-THI-Ơ 5-7)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Từ chương 5 đến chương 7 sách Tin Lành Ma-thi-ơ cho chúng ta một bản văn khá đầy đủ về Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu. Dù một số người cho rằng phân đoạn dài hơn 100 câu này là gồm nhiều bài giảng riêng rẽ hay là sự kết hợp lại từ nhiều lần dạy dỗ khác nhau của Chúa Giê-xu, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy tính liên kết và mạch ý tưởng qua các bài giảng này là: phương cách nước thiên đàng hành động bên trong chúng ta, qua công việc, gia đình và đời sống trong cộng đồng của chúng ta.

CÁC PHƯỚC LÀNH (MA-THI-Ơ 5:1-12)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Bài Giảng Trên Núi mở đầu với tám câu bắt đầu bằng từ “phước cho”[1] mô tả các phước lành. Chính từ này xác nhận hiện trạng hay tình cảnh đã được phước. Mỗi phước lành công bố một nhóm người thường bị xem là những người khốn khổ, trên thực tế lại là những người được phước. Họ không cần làm điều gì để được nhận lãnh ơn phước. Chúa Giê-xu chỉ đơn thuần công bố rằng họ là những người có phước. Vì vậy, các phước lành là sự công bố đầu tiên về ân sủng của Đức Chúa Trời. Đây không phải là những điều kiện phải có để được cứu hay một chỉ dẫn cho chúng ta cách bước vào vương quốc của Đức Chúa Trời.

Những người được kể là có phước được trải nghiệm ân điển của Đức Chúa Trời bởi vì nước thiên đàng đã đến gần. Ví dụ phước lành thứ hai, “Phước cho những người than khóc” (Mat 5:4). Thông thường, không ai cho rằng than khóc là có phước. Than khóc là sầu khổ. Tuy nhiên, với việc nước thiên đàng đã gần đến, sự than khóc lại trở nên một ơn phước bởi vì người than khóc “sẽ được an ủi.” Hàm ý ở đây là chính Đức Chúa Trời sẽ an ủi người than khóc. Vì sầu khổ nên than khóc nhưng giờ đây than khóc trở nên một ơn phước vì dẫn vào mối liên hệ sâu đậm với Đức Chúa Trời.

Mặc dù mục đích chính của phân đoạn các phước lành là công bố những ơn phước sẽ được vương quốc Đức Chúa Trời đem đến; phần lớn các học giả cho rằng chúng cũng mô tả những đặc điểm của vương quốc ấy.[2] Khi bước vào vương quốc của Đức Chúa Trời, chúng ta trông mong được trở nên giống như những người được kể là có phước. Chúng ta mong muốn chính mình trở nên nhu mì hơn, thêm lòng thương xót, khát khao sự công chính, đem lại nhiều sự hòa giải, v.v... Đặc điểm này khiến phân đoạn các phước lành còn có giá trị là các mệnh lệnh đạo đức. Về sau, khi Chúa Giê-xu phán, “hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta” (Mat 28:19), phân đoạn các phước lành mô tả những đặc điểm cần có của người trở thành môn đồ Chúa Giê-xu.

Các phước lành mô tả đặc điểm của vương quốc Đức Chúa Trời, nhưng đó không phải là những điều kiện cần có để được cứu. Chúa Giê-xu không hề nói rằng, “chỉ những người có lòng trong sạch mới được vào nước thiên đàng.” Đây thật sự là tin mừng vì các phước lành là những điều con người khó có thể làm được. Chúa Giê-xu đã dạy, “…hễ ai nhìn phụ nữ mà ham muốn thì trong lòng đã phạm tội tà dâm với người ấy rồi” (Mat 5:28) thì còn ai dám khẳng định mình “có lòng trong sạch” (Mat 5:8)? Nếu không bởi ân điển của Đức Chúa Trời, không ai trong chúng ta được kể là có phước. Mục đích của các phước lành không phải để lên án những người chưa đạt đến tiêu chuẩn nhưng là trình bày ơn phước cho những ai đồng ý bước vào vương quốc của Đức Chúa Trời đã “đến gần.”

Một khía cạnh khác về ân điển trong các phước lành là chúng không phải chỉ dành cho những cá nhân nhưng được ban cho cả cộng đồng dân sự của Đức Chúa Trời. Khi bước đi theo Chúa Giê-xu, chúng ta trở nên những người được phước thuộc về cộng đồng vương quốc của Đức Chúa Trời, cho dù bản tính của chúng ta vẫn chưa hoàn toàn trở nên giống Chúa. Xét trên phương diện cá nhân, có thể chúng ta thất bại không thực hiện được một hay tất cả những đặc điểm mà phân
đoạn các phước lành đã mô tả. Tuy nhiên, chúng ta vẫn được phước nhờ vào đặc tính của cộng đồng mà chúng ta là thành viên. Địa vị (và ơn phước) là công dân vthuộc vương quốc của Đức Chúa Trời đã có giá trị ngay bây giờ. Cộng đồng thuộc vương quốc Đức Chúa Trời sẽ trọn vẹn khi Chúa Giê-xu trở lại, “Con Người lấy đại quyền, đại vinh ngự trên mây trời mà đến” (Mat 24:30).

Với những điểm tổng quan đã trình bày chúng ta sẵn sàng để khám phá đặc tính cụ thể của từng phước lành. Chúng ta sẽ tìm hiểu cách áp dụng những điều này vào việc làm của chúng ta. Dù không thể phân tích chi tiết từng phước lành, nhưng chúng tôi hy vọng có thể trình bày nền tảng căn bản để nhận lãnh các ơn phước cũng như cách sống bày tỏ những ơn phước ấy trong công việc hằng ngày.[3]

“Phước cho những người nghèo khó tâm linh, vì vương quốc thiên đàng thuộc về họ” (Ma-thi-ơ 5:3)
Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Người “nghèo khó tâm linh” là người thừa nhận sự hư hoại tâm linh và đặt mình lệ thuộc nơi ân điển của Đức Chúa Trời [1] giống như người thâu thuế trong đền thờ đấm ngực và cầu nguyện, “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót con, vì con là một tội nhân” (Lu 18:9-14). Đây là lời xưng nhận từ tận đáy lòng mình là một tội nhân và không có điều gì tốt có thể khiến Đức Chúa Trời hài lòng. Đây là sự đối lập với sự kiêu ngạo. Cốt lõi của điều này là chúng ta thừa nhận con người cần
đến Đức Chúa Trời cách khẩn thiết. Chúa Giê-xu công bố người được phước là người nhận biết nhu cầu của chính mình cần được đáp ứng bởi ân điển của Đức Chúa Trời.

Mở đầu Bài Giảng Trên Núi chúng ta được biết chính mình không có đủ năng lực thuộc linh để áp dụng những sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu trong đời sống. Chúng ta không thể làm trọn sự kêu gọi của Đức Chúa Trời bằng năng lực bản thân. Ai nhận thức sự hư hoại thuộc linh của mình là người có phước, vì chính nhận thức đó sẽ đem họ quay lại với Đức Chúa Trời. Nếu không có Chúa, không
ai có thể hoàn thành mục đích mà Chúa đã dựng nên họ và giao phó để thực hiện. Phần còn lại của Bài Giảng Trên Núi nhằm giúp chúng ta thoát khỏi ảo tưởng về bản thân có đủ năng lực để đạt đến tiêu chuẩn được phước. Điều này giúp thành hình trong chúng ta ý thức về tình trạng nghèo khó tâm linh của mình.

Thế thì, đâu là kết quả thực tiễn của phước lành này? Trong công việc, nếu chúng ta là người nghèo khó tâm linh thì chúng ta sẽ đánh giá về bản thân cách chân thật. Chúng ta biết rất khó làm việc với những người luôn cố gắng duy trì một hình ảnh giả tạo về bản thân vì những người đó không chịu tiếp thu, không chịu phát triển và không chịu tiếp nhận những lời góp ý. Do đó chúng ta cần hết sức trung thực với bản thân của mình. Chúng ta sẽ không thổi phồng bản sơ yếu lý lịch hay khoe khoang về vị trí của mình. Chúng ta cần nhớ ngay cả Chúa Giê-xu, khi Ngài khởi sự làm thợ mộc, chắc hẳn Ngài cũng cần đến sự hướng dẫn và chỉ dạy. Đồng thời, chúng ta cũng xác nhận chỉ khi có Đức Chúa Trời hành động bên trong, thì chúng ta mới có thể áp dụng những sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu vào công việc của mình. Chúng ta cần tìm kiếm sự hiện diện và sức lực của Chúa mỗi ngày để sống đúng với địa vị là những Cơ Đốc Nhân tại nơi làm việc của mình.

Trong thế giới sa ngã này, sự nghèo khó tâm linh dường như là lực trì kéo khiến chúng ta khó đạt đến thành công hay sự thăng tiến. Nhưng đó thường là ảo giác đánh lừa chúng ta. Trên chặng đường dài, mẫu người nào sẽ là thành công? Phải chăng đó là mẫu người lãnh đạo tuyên bố, “Đừng sợ, tôi có thể xử lý mọi việc, cứ làm theo những gì tôi nói,” hay một người lãnh đạo nói rằng, “chúng ta có thể làm được điều này cùng với nhau, nhưng mỗi người cần cố gắng hết sức mình.” Đã từng có giai đoạn mà những người lãnh đạo kiêu ngạo, khoe khoang được kể là tốt hơn những lãnh đạo khiêm nhường, biết chia sẻ thẩm quyền. Nhưng hiện nay quan niệm đó không còn, ít nhất là với những tập đoàn hàng đầu thế giới. Theo nghiên cứu nổi tiếng của Jim Collin, người lãnh đạo khiêm nhường là đặc điểm trước tiên của rất nhiều những công ty đạt được thành công và duy trì trong suốt một thời gian dài.[2] Tất nhiên, vẫn có rất nhiều nơi làm việc còn vướng phải tình trạng khoe khoang và tự thổi phồng bản thân. Trong một số trường hợp, thì lời khuyên tốt nhất cho chúng ta là: nếu có thể, hãy tìm việc làm ở một nơi khác. Tuy nhiên trong các trường hợp khác, khi tìm kiếm một nơi làm việc khác là không khả thi, hay không phải là điều nên làm, bởi vì việc sống đúng với địa vị là Cơ Đốc Nhân trong một môi trường như vậy có thể sẽ đem lại những thay đổi tích cực. Trong những trường hợp đó, người nghèo khó tâm linh sẽ trở nên nguồn phước cho những người xung quanh mình.