Bootstrap

LÀM VIỆC NHƯ NHỮNG CÔNG DÂN CỦA VƯƠNG QUỐC ĐỨC CHÚA TRỜI (MA-THI-Ơ 1-4)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà các nhà thần học gọi là “đã đến, nhưng chưa hoàn tất.” Nước thiên đàng đã được Chúa Giê-xu khai mở khi Ngài thi hành chức vụ trên đất, nhưng vương quốc ấy vẫn chưa được hoàn tất cho đến khi Đấng Christ trở lại như một vị vua. Trong hiện tại, mọi việc trong đời sống của chúng ta bao gồm: công việc, giải trí, sự thờ phượng, niềm vui cùng nỗi buồn, đều bị chi phối bởi thực tại chúng ta vẫn đang sống trong thế giới bị chi phối bởi những lối sống cũ, đã bị hư hoại vì tội lỗi (Sáng 3), đồng thời cũng được cai trị bởi Đấng Christ (chỉ phần nào, chưa trọn vẹn). Là những Cơ Đốc Nhân, chúng ta hoàn toàn đặt mình dưới thẩm quyền của Chúa Giê-xu, cách sống của chúng ta trong thế giới cần phản chiếu lối sống trong nước thiên đàng sắp đến. Điều này không phải để chúng ta khoe mình thánh thiện hơn những người khác, nhưng là chấp nhận thách thức để tăng trưởng theo đường lối của Chúa. Đức Chúa Trời kêu gọi dân sự của Ngài vào nhiều vai trò và nghề nghiệp khác nhau trên đất. Trong những vai trò và nghề nghiệp đó, chúng ta cần sống bày tỏ chân lý: sự cai trị của Chúa trên trời đã và đang đến trong thế giới.

Đồng thời chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những điều xấu xa đã đến trong thế giới từ khi con người phạm tội: cái chết (I Cô 15:26), tội lỗi (Giăng 1:29) và Sa-tan (Khải 12:9). Dù chỉ tạm thời, nhưng chính Chúa Giê-xu cũng đã từng trải sự khốn khổ, kinh khiếp vì tội lỗi của con người, chúng ta cũng phải đối diện với điều đó. Khi làm việc, có thể chúng ta sẽ phải chịu khốn khổ vì bị bóc lột công sức, thất nghiệp dài hạn, hoặc thậm chí chết vì tai nạn lao động. Chúng ta có thể sẽ gặp những khó khăn nhỏ hơn như xung khắc với đồng nghiệp, môi trường làm việc không tốt, không được thăng tiến tương xứng với khả năng và hàng ngàn những khó khăn khác. Đôi lúc tại nơi làm việc, chúng ta phải nhận lãnh hậu quả tội lỗi của chính mình. Có lẽ nhiều người còn gặp khó khăn hơn chúng ta, nhưng qua sách Ma-thi-ơ mọi người đều học được cách sống đúng với địa vị là môn đồ của Đấng Christ giữa thế giới sa ngã này.

VÌ SAO CHÚNG TA NÊN NGHE THEO CHÚA GIÊ-XU? (MA-THI-Ơ 1-2)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Những chương đầu của sách Ma-thi-ơ kể lại một loạt những câu chuyện liên tiếp nhau bày tỏ Chúa Giê-xu đã đến trong thế giới này để khai mở vương quốc thiên đàng trên đất. Những chương này mô tả Chúa Giê-xu đúng theo những điều Kinh Thánh nói trước về Đấng Mê-si-a, giúp giải tỏ Ngài là ai cũng như cho biết việc Chúa Giê-xu bước vào thế giới là tâm điểm trong cách Đức Chúa Trời đối xử với con người. Sách Tin Lành Ma-thi-ơ mở đầu bằng gia phả của Chúa Giêxu cùng sự ra đời của Ngài tại Bết-lê-hem. Chúa Giê-xu là một người Do Thái, con cháu Áp-ra-ham, thuộc dòng dõi vua Đa-vít (Mat 1:1-2:23). Trong mỗi câu chuyện, Ma-thi-ơ luôn đối chiếu với những phần Kinh Thánh trong Cựu Ước để chứng tỏ việc Chúa Giê-xu ra đời đúng theo những lời tiên tri đã được công bố từ trước rất lâu.[1] Chúng ta cần lắng nghe Ngài bởi vì Chúa Giê-xu là Đấng được xức dầu, là Đấng Mê-si-a đã được hứa ban cho loài người, là Đức Chúa Trời nhập thể bước vào thế giới này trong thân xác con người (Giăng 1:14).

LỜI KÊU GỌI CỦA CHÚA GIÊ-XU (MA-THI-Ơ 3-4)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Chương hai và chương ba cách nhau gần ba mươi năm. Trước đám đông tại bờ sông Giô-đanh, tiếng phán từ trời công bố Chúa Giê-xu chính là Con của Đức Chúa Trời (Mat 3:17). Sau khi chịu phép Báp-têm, Chúa Giê-xu đã chiến thắng những cám dỗ của ma quỷ trong đồng vắng (Mat 4:1-11). Đây là hình ảnh hoàn toàn trái ngược lại với A-đam hay dân Y-sơ-ra-ên, là những người đã thất bại trước cám dỗ.[1] Tại đây, chúng ta được thấy nguồn gốc của vương quốc sẽ đến đã có từ xưa: là một “Y-sơ-ra-ên” theo như ý định nguyên thủy của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng được thấy khía cạnh mang tính cách mạng của vương quốc Đức Chúa Trời là: chiến thắng vua của thế giới sa ngã này.

Theo ý định của Đức Chúa Trời dành cho thế giới này, công việc là một yếu tố quan trọng. Ngay sau khi Đức Chúa Trời dựng nên A-đam, Ngài đã giao việc cho ông làm (Sáng 2:15). Xuyên suốt cả Cựu Ước, chúng ta thấy dân sự của Đức Chúa Trời luôn được Ngài giao công tác (Xuất 20:9). Vì vậy không ngạc nhiên khi chính Chúa Giê-xu cũng là một người lao động (Mat 13:55). Việc Chúa Giê-xu chịu phép Báp-têm, trải qua những cám dỗ trong đồng vắng, cùng những trải nghiệm lao động của người thợ mộc đã chuẩn bị Chúa Giê-xu cho công tác mà Ngài sắp thực hiện (Mat 4:12). Tại đây, chúng ta bắt gặp phân đoạn đầu tiên đề cập trực tiếp về sự kêu gọi. Sau khi Chúa Giê-xu bắt đầu giảng về nước thiên đàng sắp đến, Ngài đã kêu gọi bốn người môn đồ đầu tiên đi theo Ngài (Mat 4:18-21). Về sau, có thêm những người khác cũng đáp lời kêu gọi của Chúa Giê-xu hình thành nên nhóm mười hai môn đồ. Họ được Chúa Giê-xu biệt riêng làm những học trò thân cận để họ sẽ phục vụ dân sự mới của Đức Chúa Trời như những người lãnh đạo trong tinh thần tôi tớ (tham khảo Mat 10:1-4; 19:28; Êph 2:19-21). Mỗi môn đồ đều phải từ bỏ nghề nghiệp, nguồn thu nhập cùng với những mối liên hệ trước đó của mình để đi với Chúa Giê-xu trong khắp miền Ga-li-lê.[2] Với các môn đồ cùng những người khác đi theo Ngài, Chúa Giê-xu chưa bao giờ hứa với họ bất cứ một sự đảm bảo nào. Khi Chúa Giê-xu kêu gọi Ma-thi-ơ là người thâu thuế, thì lời kêu gọi có đó hàm ý là Ma-thi-ơ sẽ phải từ bỏ công việc thu thuế hiện tại của mình (Mat 9:9).[3]

Lời kêu gọi của Chúa Giê-xu có đồng nghĩa với việc chúng ta phải từ bỏ công việc hiện tại để làm người giảng Tin Lành, mục sư hay nhà truyền giáo không? Phải chăng phân đoạn này dạy chúng ta trở nên môn đồ của Chúa đồng nghĩa với việc từ bỏ lưới và thuyền, cưa và đục, lương bổng và những phúc lợi của việc làm?

Câu trả lời là không. Phân đoạn này mô tả lại những điều đã xảy ra cho bốn người ở bờ biển Ga-li-lê ngày hôm đó. Nhưng đây không phải là quy định bắt buộc cho mọi người muốn đi theo Chúa Giê-xu Christ. Với mười hai môn đồ, đi theo Chúa Giê-xu đồng nghĩa với việc họ phải từ bỏ nghề nghiệp và gia đình để có thể cùng đi đây đó với thầy của mình. Trong quá khứ lẫn hiện tại vẫn có những nghề nghiệp đòi hỏi những sự hy sinh tương tự như phục vụ trong quân ngũ, giao thương hàng hải hay công việc trong ngành ngoại giao cùng với một số ngành nghề khác. Nhưng khi Chúa Giê-xu thi hành công tác trên đất chúng ta biết không phải bất cứ ai thật lòng tin đều bỏ công việc của mình để đi theo Ngài. Rất nhiều người tin Chúa Giê-xu vẫn tiếp tục ở lại nhà mình và làm những công việc thường ngày. Chúa Giê-xu thường nhờ đến những con người này để cung cấp các bữa ăn, chổ ở và nhu cầu tài chính cần có cho Ngài và các môn đồ (vd: người phung tên Si-môn trong Mác 14:3, hay Ma-ri, Ma-thê và La-xa-rơ trong Lu-ca 10:38, Giăng 12:1-2). Họ thường giúp Chúa Giê-xu tiếp cận với những cộng đồng tại nơi họ sinh sống. Đây là điều mà những người đi cùng với Chúa Giê-xu không thể làm được. Có một điểm thú vị, Xa-chê cũng là một người thâu thuế (Lu 19:1-10). Nhưng ông không được kêu gọi từ bỏ công việc hiện tại của mình là người thâu thuế mặc dù đời sống của Xa-chê đã được Chúa Giê-xu biến đổi.

Tuy nhiên, phân đoạn này cũng dẫn chúng ta vào một lẽ thật sâu nhiệm hơn là nghề nghiệp và việc đi theo Đấng Christ. Có thể chúng ta không cần từ bỏ công việc của mình, nhưng chúng ta phải từ bỏ sự trung thành với bản thân hay với con người hoặc hệ thống nào trái ngược với những mục đích của Đức Chúa Trời. Theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta là những người phục vụ cho vương quốc của Đức Chúa Trời đang làm việc trong trần gian. Chúng ta vẫn tiếp tục làm việc, vẫn thực hiện những công tác như trước. Nhưng chúng ta cũng được tuyển mộ để làm việc trong một vương quốc mới và phục vụ cho Người Chủ mới. Chúng ta vẫn làm việc, nhận lương; nhưng ở mức độ sâu hơn, chúng ta cũng phục vụ con người giống như Người Chủ của chúng ta đã phục vụ. Khi chúng ta phục vụ con người từ tấm lòng trung tín với Đấng Christ, thì điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang “phục vụ Đấng Christ là Chúa,” như sứ đồ Phao-lô đã nói trong Cô-lô-se 3:24.

Điều này mang tính triệt để hơn cảm nhận ban đầu của chúng ta và thách thức cách chúng ta làm việc. Nó có nghĩa là trong giới hạn có thể, chúng ta cần đeo đuổi thực hiện những điều giúp con người phát triển. Đó có thể là chúng ta dự phần thực hiện mạng lệnh Chúa truyền cho con người khi Ngài sáng tạo trời đất (quản trị trái đất) hoặc dự phần thực hiện mạng lệnh rao truyền sự cứu rỗi của Chúa cho nhân loại (rao giảng khắp đất). Tóm lại, chúng ta phải làm những việc để khích lệ, cổ vũ cho những ước mơ của người khác cũng như đem lại sự hàn gắn, giải hòa cho những đổ vỡ xung quanh chúng ta.

Có thể sự kêu gọi của Chúa Giê-xu không khiến chúng ta thay đổi việc làm, cách sinh sống nhưng chắc chắn sẽ thay đổi mục đích làm việc của chúng ta. Là những người đi theo Chúa Giê-xu, chúng ta làm việc trước nhất là để phục vụ Ngài. Điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi cách chúng ta làm việc và đặc biệt là cách chúng ta đối xử với người khác. Vị Vua mới của chúng ta có những đặc điểm:
thương xót, công bình, chân thật và nhân từ. Ngược lại đặc điểm của thần cai trị thế gian này là: tàn phá, vô cảm, áp bức, giả dối, và thù hận. Các đặc tính của thần cai trị thế gian không còn thẩm quyền gì trong công việc của chúng ta nữa. Đây thật sự là một thách thức lớn; chúng ta không hy vọng có thể làm được bằng sức riêng của con người. Để sống và làm việc theo những tiêu chuẩn mới này, chúng ta cần đến năng lực hay ơn phước từ Đức Chúa Trời trong công việc của chúng
ta. Đây là điều được đề cập từ sách Tin Lành Ma-thi-ơ từ chương 5 đến chương 7.