Bootstrap

CỦA CẢI VÀ SỰ CHU CẤP (MA-THI-Ơ 6)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Chúa Giê-xu thường nói về của cải. Của cải và sự chu cấp không phải là công việc, nhưng cả hai thường là kết quả từ công việc của chúng ta hay là của một ai khác. Theo nguyên lý kinh tế, mục đích của công việc là nhằm gia tăng của cải, và do đó chủ đề này có liên quan đến công việc. Đây là những gì Chúa Giê-xu dạy về của cải và sự chu cấp mỗi ngày trong bài giảng trên núi.

‘Xin Cho Chúng Con Hôm Nay Thức Ăn Đủ Ngày’ (Ma-thi-ơ 6:11)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Trong bài Cầu Nguyện Chung, ngay trước lời cầu xin sự ban cho thức ăn mỗi ngày, chúng ta cầu xin “Vương quốc Cha được đến, ý Cha được nên, ở đất như ở trời” (Mat 6:10). Trong vương quốc của Đức Chúa Trời có đủ thức ăn mỗi ngày là điều chắc chắn, nhưng trong thế giới tội lỗi này, có đủ thức ăn mỗi ngày vẫn là điều phải xem xét. Tuy Đức Chúa Trời đã ban cho con người mọi điều cần thiết để làm ra lương thực có đủ cho mọi người trên đất, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát được nạn đói. Vì vậy, điều đầu tiên Chúa Giê-xu dạy về sự chu cấp mỗi ngày là lời cầu xin, “Xin cho chúng con hôm nay thức ăn đủ ngày.” Chúng ta đến với Chúa cầu xin Ngài ban cho chúng ta thức ăn.

Nhưng cần lưu ý lời cầu xin ở đây là dạng số nhiều: Xin cho CHÚNG CON hôm nay thức ăn đủ ngày. Chúng ta không chỉ cầu xin phần lương thực của riêng mình, nhưng cho cả những người đang thiếu thốn. Với lòng khao khát duy trì mối liên hệ đúng đắn, chúng ta phải quan tâm đến cả nhu cầu vật chất của những người khác. Chúng ta cần chia sẻ những gì mình có với những người đang cần. Nếu mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, và chính phủ đều hoạt động dựa trên mục đích và nguyên tắc của vương quốc Đức Chúa Trời, chắc chắn sẽ không còn cảnh đói kém.

Hãy Tích Trữ Của Cải Trên Trời, Đừng Tích Trữ Của Cải Dưới Đất (Ma-thi-ơ 6:19-34)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Chúng ta không chỉ cầu xin Chúa chu cấp mỗi ngày, nhưng chúng ta còn phải tránh việc tích trữ của cải trên đất này:

Các con đừng tích trữ của cải ở dưới đất, là nơi có mối mọt, ten rỉ làm hư, và kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. Nhưng hãy tích trữ của cải ở trên trời, là nơi không có mối mọt, ten rỉ làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó. (Mat 6:19-21)

“Của cải ở trên trời” không phải là khái niệm mơ hồ về những gì đẹp lòng Đức Chúa Trời hay những thứ tương tự như vậy, vì vương quốc Đức Chúa Trời sẽ cai trị trên đất này. “Của cải ở trên trời” là những điều xứng đáng với vương quốc của Ngài như: sự công chính, tạo cơ hội để mọi người đều được phát triển, chu cấp cho những ai có nhu cầu và tôn trọng giá trị nhân phẩm của mỗi người. Hàm ý của sự dạy dỗ ở đây là chúng ta nên đầu tư của cải vào những hoạt động đem lại sự biến đổi cho thế giới thay vì chỉ đầu tư để bảo tồn của cải mình đã tích lũy.

Vậy lập kế hoạch tích lũy để dành cho việc nghỉ hưu hay quan tâm đến những nhu cầu vật chất trong đời này cho bản thân và cho những người khác là đúng hay sai? Câu trả lời ở đây là đúng và sai. Câu trả lời đúng đến từ những phân đoạn Kinh Thánh khác dạy chúng ta phải khôn ngoan và biết lo xa, ví dụ: “nhưng ai khéo tay thu góp thì của cải sẽ gia tăng” (Châm 13:11b), và, “người lành để lại gia sản cho con cháu mình” (Châm 13:22). Đức Chúa Trời hướng dẫn Giô-sép thâu trữ lương thực trong bảy năm chuẩn bị cho cơn đói xảy đến sau đó (Sáng 41:25-36). Chúa Giê-xu bênh vực cho việc đầu tư tiền bạc trong ẩn dụ về các ta-lâng (Mat 25:14-30, đây là phân đoạn sẽ bàn đến trong phần sau). Dưới sự soi sáng của cả Kinh Thánh, thì Ma-thi-ơ 6:19-34 không thể nào là mạng lệnh ngăn cấm cách tuyệt đối. Nhưng câu trả lời là sai dựa vào sự cảnh báo đã được tóm lược súc tích trong câu 21, “vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.” Có thể chúng ta nghĩ rằng câu trên phải đảo ngược mới đúng, nghĩa là “tấm lòng con ở đâu, thì của cải các con sẽ ở đó.” Lời dạy của Chúa Giê-xu ở đây vô cùng sâu sắc. Của cải thay đổi lòng người nhiều hơn là tấm lòng quyết định của cải sẽ chi dùng ra sao. Chúng ta thường hiểu sai mạng lệnh của Chúa Giê-xu theo chiều hướng: “Con người thường dùng tiền bạc cho những thứ họ xem là quan trọng.” Nhưng thật ra điều Chúa Giê-xu muốn dạy chúng ta là, “của cải mà con sở hữu sẽ thay đổi con, để rồi con chỉ biết quan tâm đến của cải hơn bất cứ thứ gì khác.” Hãy chọn lựa cẩn thận những gì bạn sở hữu, bởi vì chắc chắn bạn sẽ quý trọng và bảo vệ chúng và có thể dễ dàng dẫn đến việc vì chúng mà bạn gây nên nhiều tổn hại.

Chúng ta có thể gọi đây là “Nguyên Tắc Của Cải”, nghĩa là của cải có sức mạnh thay đổi. Những ai đầu tư của cải cho những thứ thuộc về thế gian sẽ không còn phục vụ Đức Chúa Trời nữa, nhưng phục vụ của cải (Mat 6:24). Điều này có thể dẫn đến sự lo lắng vì tiền của không bao giờ chắc chắn (Mat 6:25-34). Lạm phát có làm trượt giá tài sản của tôi không? Thị trường chứng khoán có nguy cơ sụt giảm không? Còn trái phiếu thì sao? Có nguy cơ bị vỡ nợ không? Liệu ngân hàng có bị phá sản không? Liệu tôi có thể chắc chắn mình đã tích trữ đủ để đối phó mọi tình huống sẽ xảy đến?

Phương thức hóa giải cho chúng ta là đầu tư để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của con người. Một công ty cung cấp nước sạch hay sản xuất quần áo chất lượng tốt vẫn có thể xem là đầu tư vào vương quốc Đức Chúa Trời. Ngược lại đầu cơ tích trữ những nguyên vật liệu khan hiếm, trục lợi từ thị trường bất động sản bị thao túng, tăng trưởng vượt quá giá trị thực thì rõ ràng không phải là đầu tư vào vương quốc Đức Chúa Trời. Phân đoạn này của Ma-thi-ơ 6 không trình bày nguyên tắc quản lý đầu tư, nhưng cho biết khi chúng ta cam kết giữ nguyên tắc và đường lối của vương quốc Đức Chúa Trời thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta sử dụng của cải.

Thế thì câu hỏi đặt ra là chúng ta cần có thái độ nào trước những nhu cầu vật chất cũng như việc tích trữ của cải? Nếu chúng ta lo lắng về chúng, thì chúng ta là những kẻ dại. Nếu chúng ta để chúng chiếm vị trí của Đức Chúa Trời, thì chúng ta sẽ trở thành những người bất trung. Nếu chúng ta quan tâm đến chúng quá mức, thì chúng ta sẽ trở nên người tham lam. Nếu chúng ta sẵn sàng chà đạp người khác để có được của cải, chúng ta sẽ trở nên những kẻ đàn áp mà vương quốc Đức Chúa Trời chống cự.

Vậy làm thế nào để chúng ta xác định đâu là sự quan tâm đến của cải cách xứng hợp và không xứng hợp? Chúa Giê-xu đã trả lời rằng, “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho các con mọi điều ấy nữa” (Mat 6:33). Chúng ta phải ưu tiên việc quan trọng hơn. Dù chúng ta rất dễ tự lừa dối mình, nhưng câu hỏi này có thể giúp chúng ta nhìn nhận cách cẩn thận của cải đang dẫn chúng ta về đâu và tấm lòng của chúng ta như thế nào.