“Phước cho những người nghèo khó tâm linh, vì vương quốc thiên đàng thuộc về họ” (Ma-thi-ơ 5:3)
Người “nghèo khó tâm linh” là người thừa nhận sự hư hoại tâm linh và đặt mình lệ thuộc nơi ân điển của Đức Chúa Trời [1] giống như người thâu thuế trong đền thờ đấm ngực và cầu nguyện, “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót con, vì con là một tội nhân” (Lu 18:9-14). Đây là lời xưng nhận từ tận đáy lòng mình là một tội nhân và không có điều gì tốt có thể khiến Đức Chúa Trời hài lòng. Đây là sự đối lập với sự kiêu ngạo. Cốt lõi của điều này là chúng ta thừa nhận con người cần
đến Đức Chúa Trời cách khẩn thiết. Chúa Giê-xu công bố người được phước là người nhận biết nhu cầu của chính mình cần được đáp ứng bởi ân điển của Đức Chúa Trời.
Mở đầu Bài Giảng Trên Núi chúng ta được biết chính mình không có đủ năng lực thuộc linh để áp dụng những sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu trong đời sống. Chúng ta không thể làm trọn sự kêu gọi của Đức Chúa Trời bằng năng lực bản thân. Ai nhận thức sự hư hoại thuộc linh của mình là người có phước, vì chính nhận thức đó sẽ đem họ quay lại với Đức Chúa Trời. Nếu không có Chúa, không
ai có thể hoàn thành mục đích mà Chúa đã dựng nên họ và giao phó để thực hiện. Phần còn lại của Bài Giảng Trên Núi nhằm giúp chúng ta thoát khỏi ảo tưởng về bản thân có đủ năng lực để đạt đến tiêu chuẩn được phước. Điều này giúp thành hình trong chúng ta ý thức về tình trạng nghèo khó tâm linh của mình.
Thế thì, đâu là kết quả thực tiễn của phước lành này? Trong công việc, nếu chúng ta là người nghèo khó tâm linh thì chúng ta sẽ đánh giá về bản thân cách chân thật. Chúng ta biết rất khó làm việc với những người luôn cố gắng duy trì một hình ảnh giả tạo về bản thân vì những người đó không chịu tiếp thu, không chịu phát triển và không chịu tiếp nhận những lời góp ý. Do đó chúng ta cần hết sức trung thực với bản thân của mình. Chúng ta sẽ không thổi phồng bản sơ yếu lý lịch hay khoe khoang về vị trí của mình. Chúng ta cần nhớ ngay cả Chúa Giê-xu, khi Ngài khởi sự làm thợ mộc, chắc hẳn Ngài cũng cần đến sự hướng dẫn và chỉ dạy. Đồng thời, chúng ta cũng xác nhận chỉ khi có Đức Chúa Trời hành động bên trong, thì chúng ta mới có thể áp dụng những sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu vào công việc của mình. Chúng ta cần tìm kiếm sự hiện diện và sức lực của Chúa mỗi ngày để sống đúng với địa vị là những Cơ Đốc Nhân tại nơi làm việc của mình.
Trong thế giới sa ngã này, sự nghèo khó tâm linh dường như là lực trì kéo khiến chúng ta khó đạt đến thành công hay sự thăng tiến. Nhưng đó thường là ảo giác đánh lừa chúng ta. Trên chặng đường dài, mẫu người nào sẽ là thành công? Phải chăng đó là mẫu người lãnh đạo tuyên bố, “Đừng sợ, tôi có thể xử lý mọi việc, cứ làm theo những gì tôi nói,” hay một người lãnh đạo nói rằng, “chúng ta có thể làm được điều này cùng với nhau, nhưng mỗi người cần cố gắng hết sức mình.” Đã từng có giai đoạn mà những người lãnh đạo kiêu ngạo, khoe khoang được kể là tốt hơn những lãnh đạo khiêm nhường, biết chia sẻ thẩm quyền. Nhưng hiện nay quan niệm đó không còn, ít nhất là với những tập đoàn hàng đầu thế giới. Theo nghiên cứu nổi tiếng của Jim Collin, người lãnh đạo khiêm nhường là đặc điểm trước tiên của rất nhiều những công ty đạt được thành công và duy trì trong suốt một thời gian dài.[2] Tất nhiên, vẫn có rất nhiều nơi làm việc còn vướng phải tình trạng khoe khoang và tự thổi phồng bản thân. Trong một số trường hợp, thì lời khuyên tốt nhất cho chúng ta là: nếu có thể, hãy tìm việc làm ở một nơi khác. Tuy nhiên trong các trường hợp khác, khi tìm kiếm một nơi làm việc khác là không khả thi, hay không phải là điều nên làm, bởi vì việc sống đúng với địa vị là Cơ Đốc Nhân trong một môi trường như vậy có thể sẽ đem lại những thay đổi tích cực. Trong những trường hợp đó, người nghèo khó tâm linh sẽ trở nên nguồn phước cho những người xung quanh mình.