Bootstrap

TIẾN TRÌNH MÔN ĐỆ HÓA (MÁC 4:35-41; 6:45-52; 8:14-21)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Sách Mác trình bày nhiều mặt tốt của các môn đồ như việc họ đáp ứng lời mời gọi của Chúa Giê-xu (Mác 1:16-20) và thực hiện công tác Ngài giao phó (Mác 6:7-13)[1], nhưng sách Mác cũng nhắc đến sự thiếu hiểu biết, yếu đuối và ích kỷ của họ nhiều hơn các sách Tin Lành khác. Góc nhìn về các môn đồ được định hình với những đặc điểm của thể loại văn tường thuật và việc mô tả các sự kiện. Thứ nhất là việc lặp lại những câu chuyện có cùng bối cảnh chiếc tàu, cơn bão, và các lần trò chuyện khi đi ngang hồ Ga-li-lê (Mác 4:35-41; 6:45-52; 8:14-21). Tất cả đều nhấn mạnh chi tiết các môn đồ không thể hiểu thẩm quyền của Chúa Giê-xu. Sau những câu chuyện có bối cảnh chiếc tàu, bờ biển là câu chuyện về sự chữa lành người mù cách lạ thường, với hai giai
đoạn (Mác 8:22-26). Có thể câu chuyện này giữ chức năng như một phép ẩn dụ nói về sự mù lòa của các môn đồ trong hiểu biết khiếm khuyết của họ về Chúa Giêxu.[2] Tiếp đến, chúng ta có lời xưng nhận Đấng Christ của Phi-e-rơ (Mác 8:27-33).

Thế nhưng ngay sau khoảnh khắc ông bày tỏ sự hiểu biết của mình về Chúa đầy kịch tính thì ngay lập tức Phi-e-rơ lại bị Sa-tan làm cho mù lòa. Sự hiểu biết của các môn đồ về Chúa Giê-xu bị giới hạn nên sự hiểu biết của họ về thông điệp của Ngài cũng bị giới hạn. Các môn đồ cứ tiếp tục tìm kiếm quyền lực và địa vị (Mác 9:33-37; 10:13-16; và 10:35-45). Chúa Giê-xu đã nhiều lần thách thức các môn đồ những khi họ thất bại trong việc nhìn nhận đi theo Chúa đòi hỏi tinh thần hy sinh
quên mình. Bằng chứng nổi bật hơn hết là khi các môn đồ bỏ trốn lúc Chúa Giêxu bị bắt và xét xử (Mác 14:50-51). Sách Mác tường thuật sự chết của Chúa Giê-xu ngay sau sự kiện Phi-e-rơ ba lần chối Chúa (Mác 14:66-72) càng làm nổi bật sự hèn nhát của Phi-e-rơ và lòng can đảm, vâng phục của Chúa Giê-xu.

Thế nhưng Phi-e-rơ cũng như các môn đồ khác vẫn có thể lãnh đạo Hội Thánh hiệu quả. Mác 16:6-7 cho biết sau khi Chúa Giê-xu phục sinh, thiên sứ đã nói với những người phụ nữ đi báo tin cho các môn đồ rằng họ sẽ được gặp Ngài (chỉ có Phi-e-rơ được nhắc tên cụ thể). Mặc dù không được đề cập trong sách Mác, nhưng từ sách Công vụ, chúng ta được biết các môn đồ đã thay đổi rất nhiều sau khi được gặp Chúa Giê-xu. Sự kiện Chúa phục sinh đã đem đến sự thay đổi lớn.
Điều này có liên hệ gì đến việc làm của chúng ta? Trong việc làm của mỗi người, rõ ràng chúng ta là những môn đồ của Chúa Giê-xu nhưng chúng ta vẫn chưa hoàn hảo và còn phải được hoàn thiện. Sẽ có nhiều điều chúng ta cần ăn năn, cũng như những thái độ sai trật mà chúng ta cần được sửa đổi. Chúng ta cần phải nhìn nhận có thể chính mình không đúng trong cách suy nghĩ, trong những điều chúng ta tin, thậm chí là những vấn đề liên quan đến Tin Lành, giống như các
môn đồ ngày xưa. Vì vậy mỗi ngày chúng ta cần cẩn trọng suy ngẫm cách chúng ta bày tỏ quyền tể trị của Đức Chúa Trời và luôn sẵn sàng ăn năn về những sự kém thiếu của bản thân. Trong công việc, chúng ta có thể bị cám dỗ để chứng tỏ sự chính trực, khôn ngoan và tài năng của chính mình thay vì là chứng nhân cho sự công chính, khôn ngoan và trọn vẹn của Chúa Giê-xu. Thay vì chứng tỏ chính mình là tốt lành cách giả tạo, việc bày tỏ con người thật của chúng ta sẽ là một lời chứng mạnh mẽ về lòng thương xót của Chúa đối với những người vẫn còn phạm sai lầm, có bản ngã tự tôn, chú tâm về chính mình nhưng họ cũng là những công trình đang được Chúa hoàn thiện. Khi đó, thay vì kêu gọi đồng nghiệp bắt chước chúng ta, lời chứng của chúng ta là lời mời gọi họ cũng để cho Chúa Giê-xu thay đổi, hoàn thiện như cách Chúa đang làm cho chúng ta. Tất nhiên, chúng ta vẫn cần tích cực rèn tập để lớn lên trong Đấng Christ. Lòng thương xót của Chúa không phải là cớ để chúng ta cứ ở trong tội lỗi.